Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN MỘ ĐỨC

Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, là đặc trưng, khác biệt của Việt Nam để đột phá chuyển đổi số

17/06/2023 16:25    307

Hơn 1 năm triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư, hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số (CĐS) trên toàn quốc.

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ giải pháp tổ chức Tổ CNSCĐ đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in Việt Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.

Thực hiện chủ trương nêu trên, ngày 5/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Văn bản số 793/BTTTT-THH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ tại địa phương. Hơn 1 năm qua, các địa phương đã tích cực, nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ CNSCĐ, dần hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác CĐS trên toàn quốc.

63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư

Đến nay, theo Bộ TT&TT, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng 4 - 9 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp (DN) công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

to-cnscd-4.jpg
Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng 4 - 9 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và D) công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Các thành viên của Tổ CNSCĐ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: (1) Sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); (2) Mua sắm trực tuyến; (3) Thanh toán trực tuyến; (4) Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; (5) Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Tổ CNSCĐ, trong tháng 9/2022, Bộ TT&TT đã phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương, DN công nghệ số tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho 255.545 thành viên Tổ CNSCĐ tại 59/63 địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bộ TT&TT khẳng định: “Với sự hỗ trợ của Mạng lưới Tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc CĐS quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: Nền tảng VNeID, Nền tảng học trực tuyến MOOCs, Cổng dịch vụ công quốc gia, Nền tảng thanh toán trực tuyến, Nền tảng tuyển sinh trực tuyến, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa...”.

Cũng theo Bộ TT&TT, “trong tiến trình ứng dụng CNTT trước đây và CĐS hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Thông qua Tổ CNSCĐ, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác CĐS quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Đây là một kết quả đặc biệt đột phá. Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về CĐS trong tương lai”.

Những bài học kinh nghiệm

Từ những kết quả đạt được từ việc triển khai thí điểm Tổ CNSCĐ thời gian qua, Bộ TT&TT đã tổng kết một số cách làm hay, hiệu quả, điển hình như: (1). Sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh: Trường hợp của tỉnh Sóc Trăng; (2). Công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời của chính quyền các cấp để định hướng hoạt động của Tổ CNSCĐ như trường hợp của TP. Đà Nẵng; (3) Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với các tổ chức đoàn thể và lựa chọn đúng đối tượng nhiệt huyết, đam mê để tham gia Tổ CNSCĐ: Trường hợp của tỉnh Đồng Tháp. (4). Chiến dịch 92 ngày đêm - Tổ CNSCĐ đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) như trường hợp của tỉnh Bình Phước. (5). Ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời hoạt động của Tổ CNSCĐ như trường hợp của tỉnh Yên Bái.

to-cnscd-5.jpg
Tổ CNSCĐ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản.

Bài học kinh nghiệm chung sau 1 năm triển khai Tổ CNSCĐ, theo Bộ TT&TT đúc kết từ các địa phương đã triển khai bước đầu có hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ là: Chiến lược “mưa dầm thấm lâu”. Hoạt động của Tổ CNSCĐ là chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết của chính các thành viên Tổ CNSCĐ, hay nói cách khác là “mưa dầm thấm lâu”. (2) Triển khai “đơn giản - tự nhiên - thiết thực”, theo hướng xã hội hóa là chính. Tổ CNSCĐ có sứ mệnh hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân. (3) Thiết lập đầu mối hỗ trợ Tổ CNSCĐ và các kênh truyền thông về CĐS. Sở TT&TT các địa phương phải đóng vai trò hạt nhân nòng cốt trong hoạt động CĐS, cụ thể ở đây là trong hoạt động của Tổ CNSCĐ.

Một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục

Qua quá trình thí điểm triển khai, Tổ CNSCĐ đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Bộ TT&TT, thực tế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để hoạt động của Tổ CNSCĐ trở thành một hoạt động thường xuyên, bền vững và hiệu quả hơn. Đó là các tồn tại, hạn chế chủ yếu tập trung vào các vấn đề như các cấp chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ của Tổ CNSCĐ, dẫn đến chưa chủ động dẫn dắt, khởi tạo, định hướng hoạt động của Tổ CNSCĐ.

Hoạt động của Tổ CNSCĐ ở một số địa phương chưa hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc thành lập Tổ CNSCĐ và chưa xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể. Nhiều thành viên Tổ CNSCĐ vẫn chưa nắm vững nội dung, chưa tiếp cận được người dân hoặc chưa biết cách hướng dẫn người dân; Chưa có công cụ hỗ trợ Tổ CNSCĐ triển khai các hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm với nhau một cách hiệu quả.

to-cnscd-2.jpg
Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về CĐS trong tương lai.

Bên cạnh đó, trên phạm vi toàn quốc nói chung và ở một số các địa phương nói riêng, hiện chưa có cơ chế động viên, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động các thành viên Tổ CNSCĐ chưa được quan tâm, chưa đo lường được vai trò tham gia đóng góp của Tổ CNSCĐ trong thúc đẩy CĐS tại các địa phương.

Thúc đẩy hoạt động Mạng lưới Tổ CNSCĐ trên toàn quốc

Để phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Bộ TT&TT tiếp tục thúc đẩy hoạt động Mạng lưới Tổ CNSCĐ trên toàn quốc để hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quy mô quốc gia về CĐS tại địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ TT&TT đang triển khai các hoạt động hướng đến tăng cường năng lực, thiết lập công cụ số, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Tổ CNSCĐ hoạt động.

Cụ thể, kế hoạch dự kiến như: Cập nhật, bổ sung khóa học về phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng cho cán bộ chính quyền cấp huyện, cấp xã trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) được thực hiện trong Quý III và IV năm 2023.

Khóa học dự kiến sẽ gồm các chuyên đề sau: Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức thực thi và giám sát hoạt động Tổ CNSCĐ; kỹ năng ứng dụng nền tảng số trong truyền thông, tuyên truyền,…

Tiếp theo, các thành viên Tổ CNSCĐ và người dân sẽ được cập nhật, bổ sung khóa học về kỹ năng số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) trong Quý III và IV năm 2023. Dự kiến sẽ có 2 phiên bản, một phiên bản dành cho thành viên Tổ CNSCĐ và một phiên bản dành cho người dân. Thành viên Tổ CNSCĐ ưu tiên thời gian hoàn thành khóa học này bằng hình thức trực tuyến trong Quý III năm 2023.

Khóa học sẽ gồm các chuyên đề sau: Sử dụng trình duyệt an toàn; Sử dụng nền tảng số để làm việc, cộng tác; Tìm kiếm thông tin hiệu quả; Tạo tài khoản và kho dữ liệu cá nhân trực tuyến; Sử dụng DVCTT; Thanh toán trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Học tập và ôn luyện trực tuyến; Chặn và lọc tin rác hiệu quả trên trình duyệt; Bảo vệ bản thân trực tuyến; Bảo vệ gia đình trực tuyến; Giải trí trực tuyến.

Hằng tháng, Bộ TT&TT sẽ tổ chức phổ biến, trao đổi, hướng dẫn, hỏi đáp về một chuyên đề cụ thể.

Bộ TT&TT cũng sẽ xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ; Phổ biến, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong Quý III và IV năm 2023.

Bộ TT&TT sẽ tổng hợp các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong hoạt động của Tổ CNSCĐ để phổ biến, chia sẻ cho các địa phương tham khảo và tôn vinh, khen thưởng các địa phương triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ trong Quý IV năm 2023.

Bộ TT&TT cũng hỗ trợ nền tảng số phục vụ hoạt động của Tổ CNSCĐ đối với các địa phương có nhu cầu trong quý III và IV năm 2023.

to-cnscd-1.jpg
Bộ TT&TT hỗ trợ nền tảng số phục vụ hoạt động của Tổ CNSCĐ đối với các địa phương có nhu cầu.

Địa phương chủ động quyết định việc tổ chức triển khai hoạt động của Tổ CNSCĐ

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS quốc gia, kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như chủ động quyết định việc tổ chức triển khai hoạt động của Tổ CNSCĐ tại địa phương, vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế CĐS và các điều kiện đặc thù của địa phương.

Tổ CNSCĐ tại địa phương với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” 5 nhiệm vụ cơ bản: (1) Sử dụng DVCTT, thiết lập mỗi người dân một tài khoản DVCTT và một kho dữ liệu cá nhân trực tuyến để sử dụng dịch vụ công, chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước; (2) Mua sắm trực tuyến gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện các trang mua sắm trực tuyến tin cậy; (3) Thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, tránh bị lừa đảo mất tiền, gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân; (4) Tự bảo vệ mình trên không gian mạng, tránh trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, bị đánh cắp dữ liệu cá nhân và (5) Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Bộ TT&TT cũng đề nghị các địa phương sử dụng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ để định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết hằng năm, kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh hoạt động của Tổ CNSCĐ./.

ICTVietNam