Đi lên từ bàn tay trắng
Đến thôn Thạch Thang (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), ai cũng biết về trường hợp gia đình vợ chồng chị Lê Thị Kim Liên (43 tuổi) và anh Nguyễn Cường (45 tuổi). Bởi lẽ, cặp vợ chồng này được xem như trường hợp điển hình về tấm gương vượt khó, vươn lên từ bàn tay trắng.
Ngồi trong căn nhà mới khang trang vừa được hoàn thành cách đây chừng một tháng, chị Liên không giấu khỏi niềm vui, kể lại: “Tôi được chính quyền và các tổ chức hỗ trợ đến 80 triệu đồng để làm nhà. Ngôi nhà được xây trong 2 tháng, đến tháng 6/2024 thì hoàn thành. Phải nói là niềm vui lớn đến mức như vỡ òa ra.
Bao nhiêu năm qua, vợ chồng, con cái chui rúc trong gian nhà nhỏ hẹp chưa đến chục mét vuông, ẩm thấp vào mùa mưa và nóng bức, ngột ngạt vào mùa hè. Nếu không có số tiền hỗ trợ đó, giờ này vẫn chưa có chỗ ở đàng hoàng”.
Anh Cường xuất thân trong gia đình nghèo khổ. Anh mù chữ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với bà ngoại. Chị Liên cũng thuộc gia đình khó khăn, ba mất sớm, mẹ đau ốm thường xuyên. 2 vợ chồng chị kết hôn với bàn tay trắng và được bà ngoại “sẻ” cho một gian phòng để ở tạm. Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đều vô cùng bất tiện.
Nuôi 2 đứa con đã rất vất vả, nhưng anh chị lại “vỡ kế hoạch” sinh thêm đứa thứ 3. Áp lực về kinh tế kinh khủng đến mức có giai đoạn bệnh tim của chị Liên trở nên nghiêm trọng, phải vào TP Hồ Chí Minh điều trị.
Không cam chịu cảnh nghèo khó đeo bám, năm 2013, lần đầu tiên chị Liên vay tiền theo kênh hộ nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng. Thời điểm đó, bò còn khá rẻ, chị mua được 4 con bò để nuôi. Nguồn lợi từ chăn nuôi mang lại, vợ chồng anh chị mua thêm máy cày để tiện sản xuất và có thu nhập chăm lo cho các con cũng như hoàn thành trả vốn, lãi đúng kỳ hạn.
Thế nhưng, điều kiện gia đình quá khó khăn nên vẫn chưa thể thoát nghèo. Con trai lớn của anh chị phải nghỉ học sớm để bươn chải kiếm ăn, tạo điều kiện cho 2 em tiếp tục đến trường. Năm 2023, chị Liên tiếp tục vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư vào chăn nuôi bò và trồng trọt.
2 vợ chồng bảo ban nhau làm lụng, ai thuê gì cũng làm, không nề hà khó khăn, vất vả. Dù không biết chữ nhưng anh Cường rất chịu khó, máy móc hư hỏng lại cặm cụi ngồi sửa. Còn chị Liên cũng không ngơi tay, hết làm đậu, làm bắp lại nhận làm thuê cho bà con xung quanh… Cuộc sống gia đình đã khá lên rất nhiều và dự kiến thoát nghèo trong năm 2024.
“Từ con số 0, bây giờ gia đình đã khá hơn trước rất nhiều. Nếu không được quan tâm giúp đỡ thì chắc vợ chồng mỗi người dẫn một đứa con đi lang thang. Giờ chỉ mong trời cho sức khỏe để vợ chồng yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế” - chị Liên xúc động.
Theo bà Lê Thị Sang - Tổ trưởng tổ vay vốn, cũng từng là Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Phong, gia đình chị Liên là một trong số những hộ nghèo tiêu biểu, hoàn cảnh hết sức khó khăn.
“Giai đoạn đầu gia đình Liên vay 30 triệu đồng từ ngân hàng qua kênh do phụ nữ quản lý, nhiều người cản tôi vì sợ gia đình Liên nghèo quá không trả được. Nhưng tôi thấy cả 2 vợ chồng đều chăm chỉ làm ăn nên quyết tâm tạo điều kiện tối đa. Thành thật mà nói, số tiền 30 triệu đồng năm đó chính là cái phao cứu sinh để 2 vợ chồng vươn lên. Gia đình Liên được như bây giờ, thực sự tôi rất vui mừng” - bà Sang nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong Trần Xuân Lâm, gia đình chị Liên anh Cường là một trong số những hộ nghèo được địa phương tập trung hỗ trợ bằng nhiều hình thức để thoát nghèo bền vững.
“Thời gian qua, công tác giảm nghèo ở địa phương được tích cực thực hiện thông qua nhiều kênh như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ con giống, sửa chữa, xây dựng nhà ở…. Dự kiến đến cuối năm 2024, xã giảm được 49/138 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới quốc gia còn 3,04%”- ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong, trong năm 2024, thông qua các nguồn, xã sẽ hỗ trợ xây mới 6 ngôi nhà, mỗi nhà 80 triệu đồng và sửa chữa 1 nhà ở với số tiền 20 triệu đồng, giúp các hộ nghèo có chỗ ở ổn định, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Nghiêm Hà