Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN MỘ ĐỨC

Trường THCS Nguyễn Trãi Tổ Chức Lễ Vinh Danh Các Học Sinh Tiêu Biểu Đạt Nhiều Thành Tích Cao Trong Năm Học 2022-2023

16/05/2023 05:30    267

Sáng ngày 13/5/2023, tại di tích lịch sử Đền Văn Thánh, xã Đức Chánh, Trường THCS Nguyễn Trãi tổ chức lễ vinh danh học sinh tiêu biểu đạt nhiều thành tích cao trong năm học 2022-2023.

Ảnh: Quang cảnh buổi lễ vinh danh học sinh đạt nhiều thành tích trong năm học 2022-2023.

     Trong năm học 2022-2023, thầy và trò trường THCS Nguyễn Trãi đã đạt nhiều thành tích cao trong công tác dạy và học. Trong năm học 2022-2023, toàn trường với hơn 200 học sinh tham gia trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh. Trong đó, xếp nhất toàn đoàn trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện, tỉnh. Xếp nhất toàn đoàn trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 8 cấp huyện. Xếp nhất toàn đoàn tại hội thi "Tuyên truyền giới thiệu sách" cấp huyện năm 2023 và xếp thứ nhì toàn đoàn Hội thi “ Tuyên truyền giới thiệu sách” cấp tỉnh. Xếp nhất toàn đoàn trong thể thao "Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Xếp nhì toàn đoàn trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp huyện.

     Qua lễ vinh danh là động lực tinh thần cho thầy và trò Trường THCS Nguyễn Trãi đạt nhièu thành tích cao hơn nữa trong dạy và học trong thời gian đến.

     (Đền Văn Thánh tọa lạc tại thôn 3, xã Đức Chánh, là nơi thờ đức Khổng Tử và các vị Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, nhân sĩ, tầng lớp trí thức ở huyện Mộ Đức nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung và một số vị ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định. Sự ra đời của Đền Văn Thánh đã đánh dấu một cột mốc lớn trong sự nghiệp phục hưng nho học Quảng Ngãi, khuyến khích hiền tài đứng ra đóng góp công sức để đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước. Sở dĩ Đền Văn Thánh được lập tại Mộ Đức, vì nơi này là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao, điều đó thể hiện qua việc ghi chép trên văn bia, trong đó có một số nhà nho nổi tiếng như: Ông Nghè Tiềm, cụ Tú Tuân, ông Tú Cang, Phạm Văn Thủy, Phạm Văn Trọng, Phạm Văn Huân, Phạm Văn Chất - cử nhân khoa Giáp Thân (1884) là thủ khoa trong 18 người thi đỗ tại trường thi hương Bình Định, Phạm Văn Nga (cha của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cử nhân khoa Giáp Thân (1884),... các vị uyên nho ấy được Nhân dân địa phương hết lời thán phục.

    Đền Văn Thánh là Văn miếu hàng huyện lớn nhất còn lại trong tỉnh Quảng Ngãi, là biểu hiện của vùng đất nghèo, hiếu học. Địa chí Quảng Ngãi ghi: Văn miếu Mộ Đức được xây dựng dưới triều vua Tự Đức, chánh điện bị pháo Mỹ bắn sập. Hiện Văn Miếu Mộ Đức còn lưu giữ được một số văn bia, trong đó có hai văn bia quan trọng, gồm: Mộ Đức văn từ bi ký và Bi chí khoa hoạn thùy vu bất hủ.

     Về sinh hoạt lễ hội: tổ chức thường niên vào ngày Đinh tháng Ba và ngày Đinh tháng Tám. Phẩm vật ngày lễ được mua bằng tiền hương hỏa của 5 mẫu ruộng công, đến kỳ lễ hội, các hương thân, bô lão và những người đỗ đạt trong làng chuẩn bị rất chu đáo. Thành phần ban tế tự là những người cao tuổi, học vấn cao, có uy tín. Trang phục chủ tế mặc áo dài màu vàng, mũ vàng, các vị bồi tế mặc áo dài màu xanh, mũ xanh, còn các vị hương thân, bô lão mặc áo dài đen, mũ đen, Nhân dân trong làng đến Đền phải ăn mặc chỉnh tề. Nghi thức lễ hội được thể theo “Thọ Mai Gia Lễ” gồm sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Ban tế tự làm nghi thức tế chính tại đền thờ Khổng Tử, rồi đến các ban thờ ở phía Đông, phía Tây và miếu thờ Sĩ Thần. Nghi lễ kết thúc, người dân trong làng mới được vào bái lạy, vào ngày này sĩ tử đến đền cầu nguyện rất đông, phần nhiều cầu mong được mạnh khỏe, bình an và đỗ đạt trong thi cử. Vào ngày lễ, các bậc Cử nhân, Tú tài, những người làm quan ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định cũng về dự. Trong quá trình thụ lễ mọi người thường thi thố tài năng thơ ca, ôn cố tri tân và nói nhiều về việc học hành, đời sống xã hội đương thời.

     Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mảnh đất và con người Mộ Đức đã vượt lên mọi thử thách, hy sinh, làm nên những kỳ tích hào hùng trong đấu tranh và xây dựng quê hương. Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh đã để lại trên mảnh đất này nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, trong đó Văn Thánh là một biểu trưng của vùng đất văn hiến Mộ Đức.

     Đền Văn Thánh được xây dựng giữa đầu thế kỷ XIX (năm Tự Đức thứ 16), do các quan viên trong huyện, trong tỉnh góp tiền tạo dựng, trùng tu năm 1957, đến năm 1967 bị chiến tranh tàn phá, đã trở thành phế tích. Và năm 2018, Huyện Mộ Đức quyết định đầu tư, phục dựng Đền Văn Thánh (kể cả phục dựng và duy trì lễ tế theo nghi thức truyền thống). Đền Văn Thánh được UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định bảo vệ năm 1996 và được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2018 (tại Quyết định số 246/QĐ-UBND ngày 07/02/2018).

Văn Trọng