Xã Đức Nhuận tổ chức lễ khánh thành Di tích xóm 12-13
Ảnh- Quang cảnh buổi lễ khánh thành di tích căn cứ xóm 12-13, xã Đức Nhuận.
Buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những truyền thống đấu tranh hào hùng của quân và dân xã Đức Nhuận tại vùng căn cứ xóm 12-13 trong những năm kháng chiến chống Mỹ - Ngụy.
Xóm 12-13 ( Nay thuộc thôn 8, xã Đức Nhuận), đây là căn cứ lõm tiếp giáp giữa 3 xã : Đức Nhuận, Đức Chánh, Đức Thắng. Trong gần 10 năm từ năm 1965 đến tháng 3. 1975 căn cứ này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong vùng.
Ảnh- Khuôn viên di tích căn cứ xóm 12-13 sau khi đầu tư mới.
Ảnh- Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành công trình di tích căn cứ xóm 12-13.
Ngay từ giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ - Ngụy, vùng căn cứ xóm 12-13, được đội du kích xã Đức Nhuận chọn làm địa bàn hoạt động lâu dài và phát triển lực lượng. Từ những trận đánh chống càn quét đến gây dựng cơ sở, xây dựng phong trào địa phương ngày càng phát triển, giữ vững căn cứ đã làm cho bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ngày càng hoang mang giao động, thế chủ động của ta liên tục, với khí thế tiến công.
Với một xã là vùng thiết yếu của cánh Bắc Mộ Đức, địch liên tục tập trung đánh phá với qui mô hơn, trong năm 1974 chúng đã dùng cả Trung đoàn chủ lực và 2 đại đội Bảo an cùng 4 trung đội dân vệ càn quét dài ngày và cày ủi xóm 12, 13 ( căn cứ của đội du kích) thành vành đai trắng, với âm mưu quét sạch toàn bộ du kích, để không còn phong trào cách mạng ở địa phương. Nhưng với ý chí sắt đá của đội du kích và sự lãnh đạo tài tình của Chi bộ, suốt 6 tháng cơm vắt, ngũ hầm ...đội du kích xã Đức Nhuận đã quyết tâm bám địch, bám dân, đã giữ vững dịa bàn, liên tục vũ trang, phát động phong trào chống Mỹ- Ngụy được nhân dân trong xã khâm phục.
Vùng căn cứ xóm 12-13 được xem là cái nôi của phong trào cách mạng ở xã Đức Nhuận, góp phần cùng với quân và dân huyện nhà lập nên những chiến công trong cuốc kháng chiến chống Mỹ - Ngụy.
Để ghi nhận, những chiến công của quân và dân xã Đức Nhuận, Căn cứ Xóm 12, 13 đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định xếp hạng di tích số vào năm 2003.
Công trình bia ghi di tích và khuôn viên di tích được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Sau gần 03 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây sẽ là một địa chỉ đỏ trong hành trình về cội nguồn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng và tỉnh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Văn Trọng