Skip to Content

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN MỘ ĐỨC

Huyện Ủy Mộ Đức Tổ Chức Chào cờ và Sinh Hoạt Dưới Cờ Tháng 7-2023

10/07/2023 06:03    400

Sáng ngày 03/7/2023, Huyện ủy Mộ Đức Tổ chức Lễ chào cờ Tổ quốc và sinh hoạt dưới cờ tháng 7. Dự lễ chào cờ có đồng chí Nguyễn Quang Vinh - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Phạm Ngọc Lân - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Vũ Nhân- UVBTV, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN huyện, cùng lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc huyện.

 

     Trong không khí trang nghiêm, trước quốc kỳ Tổ quốc, nghi lễ chào cờ, hát quốc ca được tiến hành trang trọng. Sau nghi lễ chào cờ, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng nhau nghe đồng chí Lê Tuấn Tiến – HUV, Bí thư Chi bộ Phòng Lao động Thương binh và xã hội báo cáo sinh hoạt chuyên đề Tháng 7 với chủ đề: “DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ LỜI CĂN DẶN VỀ CÔNG TÁC “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA”.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Hàng năm vào dịp 27/7, Người thường gửi thư và quà đến các thương binh và các gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành nhưng là sự động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, cụ thể và thiết thực.

    Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn canh cánh trong lòng về việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh và gia đình liệt sĩ. Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

    Đã 54 năm kể từ ngày Bác đi xa nhưng những lời căn dặn đó của Người vẫn luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn sâu sắc, nhất là đối với những người đã hi sinh và hàng triệu người suốt đời mang trên mình thương tật hoặc di chứng của chiến tranh để viết lên bản đồ thế giới hai tiếng “Việt Nam”.

    Năm 1975, dân tộc ta bước ra khỏi 2 cuộc kháng chiến với những tổn thất nặng nề: có hơn 1.100.000 liệt sĩ; có hơn 600.000 người thươngbệnh binh; có hơn 300.000 người mất tích; có hơn 2.000.000 người tàn tật do bom đạn; có hơn 2.000.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; có hơn 500.000 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH. Là những người mẹ mất con, vợ mất chồng, là hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ không xác định tên hiện đang nằm trong các nghĩa trang liệt sĩ trên dãi đất hình chữ S. Là những em bé khi vừa mới sinh ra đã mang trong mình dị tật bẩm sinh do di chứng của chiến tranh để lại. Đó là sự mất mát mà không gì có thể bù đắp được.

    Kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, trải qua các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhận, tôn vinh và đời đời nhớ ơn sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, quân và dân huyện Mộ Đức với tinh thần cách mạng tiến công đã lập những chiến công chói lọi, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, thống nhất đất nước bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc.

Kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã phong tặng vinh dự Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho quân và dân 13 xã, thị trấn; Nhân dân và cán bộ huyện Mộ Đức; Đội trinh sát vũ trang huyện Mộ Đức và 13 cá nhân, 01 cá nhân anh hùng lao động.

Chiến tranh đã đi qua hơn 48 năm, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, hiện nay trong toàn huyện có hơn 6.540 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; hơn 2.345 thương bệnh binh các loại; 1.139 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước truy tặng, phong tặng, trong đó có 43 Bà mẹ VNAH còn sống được các cơ quan trong và ngoài tỉnh phụng dưỡng đến cuối đời; có hơn 15.000 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại; 710 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học; hiện toàn huyện có 5.121 đối tượng chính sách đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng và chính quyền huyện Mộ Đức đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình Liệt sỹ và người có công với cách mạng đảm bảo kịp thời, đầy đủ đúng quy định; đồng thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, các đối tượng chính sách khác tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội như: vay vốn sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm,… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và làm vơi đi những mất mát cho các đối tượng chính sách.

Việc xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm liệt sỹ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những kết quả tốt. Hiện nay, hầu hết các NTLS, công trình ghi công liệt sỹ trong huyện đã được nâng cấp, xây dựng khang trang sạch đẹp. Đặc biệt, trong năm 2022- 2023 huyện đã đầu tư xây dựng nâng cấp NTLS huyện; Đài tưởng niệm liệt sĩ huyện; đầu tư, xây dựng nhà tưởng niệm Mẹ VNAH tại huyện, từ đó góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ.

Qua chuyên đề, đã giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên có dịp cùng nhau ôn lại những lời căn dặn của Người về công tác thương binh, liệt sĩ, về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" để từ đó, thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã vì đất nước mà hy sinh bằng những việc làm thiết thực nhất trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Văn Trọng